Kết quả sau 4 năm lại không được như ý. Không hiểu thổ nhưỡng, không có cách canh tác phù hợp, cây sầu của Đô Na không ra trái như mong muốn. Họ bỏ cuộc và để lại cho bà con nơi đây một quan niệm rằng “điên mà trồng sầu” vì khi đó, giá sầu riêng còn rất rẻ. Có người đã chặt bỏ sầu để trồng những trái cây khác.
Thế nhưng, có vẻ như câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” rất đúng với vùng đất đồi rừng này. Bước qua sự thất bại của doanh nghiệp như Đô Na, những người đến khai hoang và lập nghiệp tại Tân Lạc nay đã có thể làm giàu cùng sầu riêng.
Khung cảnh rừng núi mênh mông tại Tân Lạc
Theo lời kể của một người lớn tuổi, ông vào định cư ở Tân Lạc năm 1994. Khi ông tới đây, xung quanh là rừng. Vợ chồng ông khai hoang, trồng cây ăn trái đến nay đã 26 năm. Hiện tại, 6 người con của ông đều sống ở Tân Lạc và đều có những mảnh vườn riêng. Con của ông cũng có người chuyên trồng sầu riêng.
Vợ chồng anh Trần Dự (quê Vĩnh Phúc) tới xã Tân Lạc lập nghiệp đã được hơn 10 năm sau thời gian học tập ở TPHCM và Đồng Nai. Trải qua giai đoạn lập nghiệp khó khăn, hiện giờ anh chị đã có ngôi nhà thoáng mát cùng mảnh vườn rộng gần 2 hecta.
Chị Thủy trong vườn sầu riêng xen canh cà phê, bơ ở Tân Lạc.
Bằng trải nghiệm nhiều năm với nông nghiệp cùng với sự nhanh nhạy của người trẻ, vợ chồng anh Dự – chị Thủy đã có những thành tựu kinh tế nhất định. Anh chị chọn trồng cây sầu riêng để có nguồn thu hàng năm bên cạnh xen canh với cây cà phê và cây bơ.
Một cây sầu riêng trong vườn chị Thủy.
Chị Thủy chia sẻ, nhận thấy tiềm năng lợi nhuận của cây sầu riêng, anh chị quyết định mở rộng diện tích trồng. Hiện vườn của gia đình chị có 40 cây sầu riêng đang thu hoạch và 200 cây sầu riêng 3 năm tuổi trồng xen canh với cây cà phê và cây bơ.
Năm nay, giá sầu riêng giảm vì ảnh hưởng của Covid-19, chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg. Trung bình mỗi cây cho từ 60 đến 100 trái nên tổng khối lượng sầu riêng sẽ là khoảng hơn 200 kg.
Như vậy, gia đình thu hoạch được khoảng 8 triệu đến 10 triệu mỗi cây. Với 40 cây sầu trong vườn, vợ chồng anh chị có doanh thu khoảng 350 triệu dù Covid-19 hoành hành.
Mỗi cây có thể lên cho khoảng trên 60 trái. Có những trái to, gọi là “trái bom”, nặng đến 7 kg.
Các khoản phải chi hàng năm đối với cây sầu riêng đang cho trái là phân bón (4 tạ phân bón, mỗi tạ 1,3 triệu). Chi phí phân chuồng khoảng hơn 20 triệu. Bên cạnh đó, khoản thuốc sâu sẽ mất 2-3 triệu cho 40 cây đang ra trái. Tổng chi phí khoảng gần 40 triệu cùng công chăm sóc.
Lấy công làm lãi, chăm chỉ làm việc, vườn sầu riêng cũng sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, chưa kể nguồn lợi nhuận từ việc trồng các loại cây xen canh khác.
Về chuyện sử dụng thuốc trừ sâu, chị Thủy cho biết, nông dân ở Tân Lạc chỉ thường xịt thuốc khi lá non lên để giữ dọt. Mỗi năm cây ra 2-3 cơi đọt rồi phân hoá mầm hoa. Từ thời điểm này cho đến khi thu hoạch là 6 tháng. Trong giai đoạn này, người nông dân sẽ chăm sóc bổ sung dinh dưỡng cho cây hợp lý để cây cho những trái sầu riêng ngon, đảm bảo chất lượng.
Tân Lạc có 8 thôn. Nông dân ở xã chủ yếu trồng sầu riêng, bơ, cà phê. Theo chị Thủy, cây sầu riêng những năm gần đây cho nguồn thu lớn hơn các cây khác. Việc thu hoạch cũng đơn giản hơn cây cà phê.
Đối với sầu riêng sẽ được các thương lái vào tận vườn thu mua và vận chuyển. Trong khi đó, việc thu hoạch cây cà phê sẽ mất nhiều thời gian hơn vì nông dân phải thu hái và sơ chế.
Theo chị Thủy, thổ nhưỡng và thiên nhiên ở Tân Lạc phù hợp với sầu riêng Thái và Ri. Do đó, nông dân ở đây trồng chủ yếu hai loại này. So với miền Tây hạn mặn, Tân Lạc có điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, do đó nông dân trồng cây ăn trái cũng đỡ vất vả hơn.
Trái sầu riêng nặng 7 kg.
Hiện nay, ở đây dân cư vẫn thưa thớt. Khí hậu mát mẻ, điều kiện thuận lợi cho cây ăn trái đã giúp cuộc sống của người dân khá giả hơn và họ gắn bó với vùng đất này.